Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN đã có buổi thuyết trình chính tại phiên đầu tiên của diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu do Liên minh Phật giáo Thế giới tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ, trong ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị, 20-4.
Theo đó, Đức Pháp chủ GHPGVN bày tỏ niềm hoan hỷ và tán thành chủ đề mà Ban Tổ chức quốc tế đã đề ra cho Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023: “Ứng xử với những thách thức đương đại từ triết học đến thực tiễn” và nội dung thảo luận chính “Phát triển ứng xử của người Phật tử đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn truyền thống Nalanda và gìn giữ hòa bình thế giới, cũng như tiếp cận việc hành hương về Thánh địa Phật giáo và di sản sống”.
Ngài cũng bày tỏ niềm vui mừng khi sự kiện quốc tế này được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19, để người Phật tử các truyền thống trên thế giới có dịp cùng ngồi bên nhau, suy tư, thảo luận, tìm ra hướng đi vì an lành và hạnh phúc cho nhân loại.
“Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự hủy diệt tàn khốc của đại dịch Covid-19; thêm vào đó là chiến tranh kinh hoàng ở một vài quốc gia; sự biến đổi khí hậu khiến thế giới hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai, gây tử vong cho biết bao sinh mạng quý giá, đời sống bị xáo trộn, nhiều mất mát đau thương cho nhân loại… Hận thù và tham lam đã làm cho nhân loại vốn khổ đau lại càng đau khổ. Hôm nay, ở đây, trên quê hương của Đức Thích Ca Mâu Ni muôn đời tôn kính, là những người đệ tử Phật, chúng ta cùng nhau thảo luận, tìm ra phương hướng giúp nhân loại sống hòa bình, an lạc, hạnh phúc như Ngài thường dạy: ‘Vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người'”, Đức Pháp chủ chia sẻ trong thông điệp của mình trước đại biểu của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023.
Quang cảnh buổi thuyết trình – Ảnh: Ngộ Dũng |
Ngài đề cập đến 4 vấn đề về Phật pháp và hoà bình; Vấn đề khủng hoảng môi trường, sức khoẻ và tính bền vững; Bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda; Ý nghĩa của hành hương, di sản và xá-lợi.
Về vấn đề Phật pháp và hoà bình, Đức Pháp chủ GHPGVN nhắc lại mục đích của Đức Phật thị hiện trên thế gian là vì đem lại sự an lạc cho chúng sinh. “Đức Phật dạy: Chiến tranh hay hòa bình đều do tâm con người quyết định. Do tham lam, sân giận, si mê mà chiến tranh xảy ra. Nhờ nuôi dưỡng tâm ý trong sáng, lành mạnh, thiểu dục tri túc, hóa giải thù hận, tăng trưởng lòng từ bi mà thế giới hòa bình, an lạc. Một trong những giải pháp giúp giải quyết xung đột, ngăn ngừa và hạn chế chiến tranh xảy ra, đó là đề cao tư tưởng từ bi, khoan dung, độ lượng, xóa bỏ hận thù của đạo Phật; giáo dục và hướng con người hành động vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân loại”, ngài chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề khủng hoảng môi trường là các suy thoái về chất lượng môi trường sống trên quy mô toàn cầu, ngài cho rằng thế giới đang phải đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng lớn về dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Tất cả các cuộc khủng hoảng này đều liên quan chặt chẽ với môi trường và làm cho sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người có nguy cơ suy giảm.
Ngài nhấn mạnh mối tương quan mật thiết của hiện hữu được soi sáng bởi tuệ giác của Đức Phật qua giáo lý duyên khởi và đề nghị một lối sống theo tinh thần Từ bi, tôn trọng sinh mạng của vạn vật, xây dựng thế giới cộng sinh, giữ gìn sự đa dạng sinh học cũng chính là tu dưỡng thiện nghiệp, gây tạo nhân lành thì sẽ gặt hái quả ngọt, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Với truyền thống Đại học Nalanda (thành lập vào năm 427), Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng trong thông điệp của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu tổ chức tại Ấn Độ năm 2023 cho rằng điểm đặc sắc của trung tâm giáo dục Phật giáo cổ xưa này là tinh thần khai phóng, tôn trọng sự thật, tự do và nhân tính.
“Nơi đây không chỉ truyền thụ tư tưởng Phật học mà còn truyền bá tất cả mọi tri thức của nhân loại thời bấy giờ như y học, luận lý, toán học,… và được giảng dạy bởi các học giả đáng kính nhất của thời đại. Đây là nơi có khả năng giúp cho con người tìm kiếm chân lý trên mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại. Mọi người dù khác biệt về chánh kiến, tư tưởng, chính trị, truyền thống tín ngưỡng tâm linh đều có thể đến học, ngồi lại với nhau. Đó là tinh thần hòa bình, tự do khai phóng, khoan dung độ lượng”, ngài nói.
Diễn đàn dành cho chư Tăng – Ảnh: Ngộ Dũng |
Về việc hành hương các Thánh tích Phật giáo, ngài nhấn mạnh đến Đức Phật lịch sử và các giá trị khơi nguồn cảm hứng cũng như niềm tin về khả tính vô biên của con người; theo đó, Trưởng lão Hoà thượng khuyến khích việc bảo tồn các Thánh tích liên quan tới Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài.
“Chúng ta phải hiểu và trân quý, giữ gìn những di sản này, là cách thể hiện sự tôn kính thành tâm đối với Đức Phật và đối với đạo Phật, nỗ lực để bảo tồn các di sản Phật giáo vô giá này. Mỗi người con Phật chúng ta cần nhìn nhận đây là trách nhiệm của bản thân, phấn đấu thực hiện và hoàn thành một cách tốt nhất để báo đáp ân đức sâu dày mà Đức Phật đã mang lại cho chúng sinh”.
Cũng theo Đức Pháp chủ GHPGVN, đó là minh chứng thực sự thuyết phục, không gì có thể thay thế được, về khả năng giác ngộ của con người, để từ đó làm cho con người có niềm tin vững chắc vào điều thiện, giải quyết các khủng hoảng của thời đại, đặc biệt là vấn nạn khủng hoảng môi trường và chiến tranh đe dọa sự bình an và hạnh phúc của nhân loại, phá hủy sự cân bằng của đời sống cá nhân và hòa bình thế giới.
Một số hình ảnh ghi nhận được tại phiên đầu tiên của diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu do Liên minh Phật giáo Thế giới tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ: