Sau ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, giang san quy về một mối. Trong bối cảnh như vậy, đó là điều kiện thuận lợi cho Phật giáo Việt Nam tiến hành công cuộc thống nhất trên cả nước, quy tập các tổ chức hệ phái về “Ngôi nhà chung” của Giáo hội nhằm phát huy sức mạnh hoằng pháp độ sinh.
Cuộc họp mặt lịch sử
Trong hai ngày 12 và 13-2-1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại TP.HCM. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như: Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVN Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVN Thống nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Sáng ngày 12-2-1980, trước lúc khai mạc phiên họp, các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ đến thăm và nói chuyện. Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh nói rằng đây là buổi gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, và ông tỏ ý tiếc cuộc gặp gỡ không được diễn ra sớm hơn, bởi vì tình hình đất nước sau ngày giải phóng gặp nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc. Ông nói rằng người cộng sản Việt Nam, người đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng yêu nước, vì mục đích giải phóng dân tộc đã tìm ra con đường cộng sản chủ nghĩa. Người cộng sản Việt Nam quan niệm đạo Phật cũng là con đường cứu khổ cứu nạn dân tộc. Tuy đường lối và phương tiện có khác, nhưng vẫn có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đạo Phật hiện diện trên đất nước ta gần 2.000 năm, lớn lên trong lòng dân tộc, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc.
Người cộng sản Việt Nam xem đạo Phật là một tôn giáo của dân tộc, và trong khi đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, người cộng sản Việt Nam xem người Phật tử Việt Nam như là những người bạn đường, đồng chí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Phát biểu về nhiệm vụ của người Phật giáo đối với dân tộc, ông nói: “Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt toàn thể các vị trong buổi họp mặt phát biểu cảm ơn, bày tỏ niềm xúc động trước quan điểm và thái độ chân thành của các vị đại diện Đảng và Nhà nước, Hòa thượng nói: “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, đạo Phật xem dân tộc Việt Nam là quê hương. Tôi rất xúc động trước những lời phát biểu các vị đại diện Đảng và Chính phủ, và hy vọng những điều đó sẽ được thực hiện tốt đẹp”.
Về vấn đề thống nhất Phật giáo, Hòa thượng khẳng định: “Hôm nay nước nhà đã độc lập thống nhất, Phật giáo không có lý do gì lại duy trì sự phân hóa về mặt tổ chức và sự chia cắt Bắc Nam”.
Hòa thượng Thích Đôn Hậu phát biểu: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”.
Trước nguyện vọng thống nhất Phật giáo, ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước, ông nói: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quý vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu”.
Tại phiên họp buổi chiều, hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo. Toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ làm Thư ký.
Buổi họp mặt đã quyết định thành lập “Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam” (gọi tắt là Ban Vận động) có nhiệm vụ vận động nghiên cứu thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà. Ban Vận động là tiêu biểu cho tiếng nói chung của Phật giáo VN. Thành phần Ban Vận động bao gồm các giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo và nhân sĩ Phật giáo hiện diện trong buổi họp mặt này, sẽ tiếp tục mời bổ sung vào.
Ban Vận động sẽ chính thức ra mắt tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM và cố đô Huế.
Cả ngày 13-2-1980, các vị tham gia phiên họp đã làm việc, trao đổi, bàn bạc, góp ý sửa chữa nội dung dự thảo thông bạch, và kiến nghị gởi Chính phủ và Mặt trận.
Buổi họp tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động, bổ sung nhân dự và quyết định xin đặt trụ sở và văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ – Hà Nội và chùa Xá Lợi – TP.HCM.
Cũng trong phiên họp chiều ngày 13-2-1980, buổi họp mặt có vinh hạnh được đón tiếp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ; Giáo sư Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch UB MTTQVN TP.HCM, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận TP.HCM, đến thăm viếng và tán thán công việc của các vị lãnh đạo Phật giáo đang làm.
Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Ban Vận động được thành lập với các chức danh: Trưởng ban: Hòa thượng Thích Trí Thủ; Các Phó Trưởng ban: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long; Ủy viên Thường trực: Hòa thượng Thích Thiện Hào; Chánh Thư ký: Thượng tọa Thích Minh Châu; Phó Thư ký: Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Thích Thanh Tứ; Các Ủy viên: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, NS.Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Ông Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương thăm và nói chuyện về tình hình đất nước với Ban Vận động tại chùa Quán Sứ – Ảnh Tư liệu của Báo Giác Ngộ |
Ban Vận động đã ra mắt ngày 9-4-1980 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Tại buổi lễ ra mắt, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động gởi Tăng Ni, Phật tử cả nước và sau đó, toàn Ban Vận động đã ra mắt các vị Tăng Ni, Phật tử thủ đô.
Ngày 15-5-1980, tại chùa Xá Lợi, Ban Vận động đã làm lễ ra mắt trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử TP.HCM. Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã đọc diễn văn khai mạc và Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động, khẳng định bối cảnh nước nhà đã thống nhất là vận hội mới mở đường cho thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Thượng tọa Thích Giác Toàn, đại diện các tổ chức, hệ phái đã phát biểu bày tỏ hoan hỷ và cảm xúc, nhất trí hoàn toàn với việc thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trong ngày 23-5 và 24-5-1980, Ban Vận động đã tổ chức ra mắt tại giảng đường chùa Từ Đàm, Huế và nhận được sự đồng thuận của tất cả Tăng Ni, Phật tử cố đô.
Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, tại Hà Nội, TP.HCM và Huế – mùa thu tháng 8-1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm thân mật với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều giáo phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì. Nội dung cuộc mạn đàm xoay quanh vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam, những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các hệ phái đa số đều nói lên những suy nghĩ chân tình trước tình hình thống nhất Phật giáo cùng những băn khoăn như chương trình tu học của Tăng Ni, tính biệt truyền của hệ phái; vấn đề hệ thống và cơ cấu tổ chức của Phật giáo Việt Nam sau khi thống nhất, vấn đề quản lý chùa chiền, quản lý Tăng, Ni…
Ngày 16-1-1981, Hội nghị kỳ 2 của Ban Vận động đã tiến hành tại Hà Nội. Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ quyết tâm tiến hành sớm việc thống nhất Phật giáo Việt Nam trong năm 1981. Hội nghị đã thảo luận chương trình hoạt động của Ban trong năm 1981.
Từ ngày 15-3 đến 24-3-1981, Ban Vận động đã lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, GHPGVN Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ.
Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra giữa Ban Vận động và các hệ phái trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Mọi tâm trạng, tư tưởng của quý vị đều nhìn về một hướng, đó là thống nhất Phật giáo Việt Nam là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà đã thống nhất trọn vẹn, có còn chăng là những ưu tư thứ yếu mà trong quá trình thống nhất sẽ được đồng nhất hoặc cởi bỏ cho phù hợp với tình hình.
Ngày 5-8-1981, tại chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM), Hội nghị kỳ 3 của Ban Vận động đã họp phiên toàn thể. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Vận động trước khi hội nghị thành lập GHPGVVN diễn ra vào đầu tháng 11-1981. Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Nhuận và chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Thủ cùng các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực. Phía khách mời có các ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ; Ung Ngọc Ky, Ủy viên Thường trực UBMTTQVN TP.HCM.
Mục đích của Hội nghị kỳ III lần này là để các vị trong Ban Vận động, lãnh đạo các hệ phái góp ý kiến, thảo luận các phương thức và đường lối thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận góp ý kiến về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo cùng nội dung tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Với 4 ngày làm việc trong tình đoàn kết, cảm thông và xây dựng, Hội nghị kỳ III đã thành công viên mãn trong niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam.
Sáng ngày 9-10-1981, tại chùa Xá Lợi đã diễn ra cuộc họp mặt Tăng Ni, Phật tử TP.HCM với Ban Vận động và sự phối hợp của Ban Vận động TP.HCM nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4-11-1981. Cuộc họp mặt quy tụ trên 1.000 Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu của các hệ phái, tổ chức Phật giáo.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng ban Nội dung đọc lời đúc kết các ý kiến đóng góp trong cuộc họp, nói lên được tính nhất quán cao độ và sâu sắc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đối với công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trong gần hai năm, Ban Vận động đã tích cực làm tốt vai trò của mình, thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất; đồng thời tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện và thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương Lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành. Con đường đó dù có nhiều thuận lợi vì có cùng một điểm chung, đó là nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, một sự thống nhất thực sự với trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng không phải là không gặp một vài sự khó khăn. Nói như Hòa thượng Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước thềm hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, “Chân lý bao giờ cũng thắng”.
Thống nhất Phật giáo Việt Nam không chỉ là nguyện vọng mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam, “có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước” để thực hiện những Phật sự trọng đại của Phật giáo Việt Nam, như báo cáo của Thượng tọa Thích Minh Châu về sứ mệnh của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.