Trước tình hình mới: Cần những giải pháp hữu hiệu trong quản lý Tăng sự

Vào các ngày 26, 27/06/2015, Ban Tăng sự T.Ư Giáo hội (T.Ư GH) sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Tăng sự tại tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Quản lý Tăng sự trong giai đoạn hiện nay – thực trạng, thách thức và giải pháp”. Đây được xem là một hoạt động trọng tâm của ngành Tăng sự trong năm 2015 trước nhiều vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt và đời sống của Tăng đoàn trước tình hình mới. 

Trao đổi với Giác Ngộ trước Hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư GH cho biết:

Có thể nói đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm thành lập Giáo hội, Ban Tăng sự TƯ GH mới chính thức triệu tập một hội nghị rộng lớn và quy mô để bàn về các công tác của ngành nhằm tạo cơ duyên cho chư tôn đức Tăng Ni phụ trách được dịp trao đổi, đánh giá một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến sinh hoạt Tăng Ni, quản lý tự viện, đàn giới, th.u nhận đệ tử…

Ngành Tăng sự được xem là một ngành mũi nhọn và quan trọng trong hệ thống tổ chức Giáo hội, tác động trực tiếp đến đời sống chư tăng ni xuất gia, vì thế các hoạt động của ngành cần sự chỉn chu, thường xuyên, liên tục và điều chỉnh phù hợp trước những đổi thay của xã hội về mặt sinh hoạt Tăng đoàn.

 

HT.Thích Thiện Pháp

 

Như vậy những vấn đề lớn của ngành Tăng sự đang đặt ra là gì, bạch Hòa thượng?
– Thực ra, ngành Tăng sự luôn phải thực hiện những công việc thường xuyên cho Chư Tăng Ni như giới thiệu thuyên chuyển nơi tu học, cấp giấy chứng nhận Tăng Ni, cấp chứng điệp an cư, cấp sổ hạ và nhiều công việc hành chính khác. Tuy nhiên, đời sống Tăng đoàn là một phạm trù mang tính chuyển động mà ở đó những cá thể phải luôn khép mình tạo thành một giá trị lớn lao cho tập thể.
Trong quá trình chuyển động đó nảy sinh khá nhiều hiện tượng cả tốt lẫn xấu mà tại Việt Nam, Phật giáo chúng ta cần sự điều chỉnh cho phù hợp như: Việc tranh chấp giữa tự viện và gia tộc về đất đai khi tài sản đó do vị trụ trì đứng tên cá nhân; Tăng Ni tự phát cất mới cơ sở; việc thành lập cơ sở mới tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; Tăng Ni trẻ tự thuyên chuyển nơi tu học hoặc sinh hoạt xa rời Chánh pháp tạo những dư luận không tốt ảnh hưởng đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo Việt Nam; vấn đề giả danh tu sĩ Phật giáo khất thực phi pháp và thực hiện những hình thức buôn bán trên đường phố; việc cầu y chỉ sư, thọ giới và tổ chức các đại giới đàn giữa các địa phương…
Vậy hội nghị lần này chúng ta sẽ thảo luận toàn bộ những nội dung vừa nêu?
– Về phương diện tổ chức, Ban Tăng sự TƯ GH luôn mong muốn thảo luận sâu sắc từng vấn đề để tìm những giải pháp thích hợp, tuy nhiên mọi thứ còn phụ thuộc vào góp ý của chư tôn giáo phẩm đại diện ngành Tăng sự của các tỉnh, thành trong cả nước. Hơn nữa, thời gian vừa qua vấn đề đời sống Tăng Ni được lưu tâm hơn cả nên chắc chắn các nội dung liên quan đến cầu y chỉ sư, việc tổ chức đại giới đàn, phạm hạnh và tu học Tăng Ni sẽ thu hút sự chú ý của đại biểu và sẽ được thảo luận một cách thấu đáo. Trong đó, đã có khá nhiều phát biểu tại các phiên họp chuẩn bị cho hội nghị liên quan đến sự không thống nhất về thời gian tổ chức đại giới đàn tại các tỉnh, thành cần sự hướng dẫn của Trung ương.
Riêng các hướng dẫn về xuất gia, thọ giới, cầu y chỉ sư dù đã được Trung ương ban hành nhưng thực hiện chưa nghiêm, vài địa phương tình trạng này trở nên phức tạp cũng được nhắc tới nhiều.
Bạch Hòa thượng, có lẽ chưa khi nào hình ảnh Tăng Ni trẻ lại xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều biểu hiện tiêu cực như gần đây. Trước hiện tượng đó, ngành Tăng sự đã thể hiện các động thái điều chỉnh của mình như thế nào?
– Ngày nay, khi mà sự bùng nổ thông tin đang diễn ra nhanh chóng và rộng khắp thì bất cứ điều gì cũng có thể được đưa ra công luận. Riêng đối với các biểu hiện của giới Tăng Ni, đặc biệt là các vị xuất gia trẻ, không phải vấn đề nào được đưa lên mặt báo cũng thể hiện sự chuẩn xác thông tin. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp vừa diễn ra ở Khánh Hòa, đến nay công an và các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ ràng đối tượng nhưng trước đó các phương tiện thông tin đại chúng lại đăng tải sự việc.
Nói như thế không có nghĩa là Giáo hội bảo vệ những hành động không phù hợp với giới luật và thuần phong mỹ tục của các vị tu sĩ trẻ nói riêng và Tăng Ni nói chung. Ngành Tăng sự luôn thể hiện sự nghiêm khắc và có những chỉ đạo kịp thời để giáo dục cũng như sách tấn sự tu học của họ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng thì Giáo hội đã từng áp dụng các biện pháp cứng rắn mà cao nhất là tịch thu giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới và khai trừ khỏi Tăng đoàn.
Hòa thượng mong đợi gì ở hội nghị lần này?
– Không chỉ việc Tăng sự mà tất cả các Phật sự đều cần sức mạnh của Tăng đoàn. Riêng đối ngành Tăng sự, cá nhân phụ trách là những vị giáo phẩm uy tín và nhiều đạo hạnh nên chúng tôi tin tưởng rằng, dù chỉ dành 2 ngày cho hội nghị nhưng chắc chắn sẽ có cái nhìn toàn cảnh về đời sống Tăng Ni ngày nay. Song song đó là những góp ý, phản biện, thảo luận để có biện pháp hữu hiệu cho việc chấn chỉnh những điều không phù hợp, đi sai với tinh thần luật Phật chế, đồng thời phát huy được năng lượng tu học, xương minh Giáo hội.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Hội nghị Ban Tăng sự Trung ương sẽ diễn trong 2 ngày 26, 27-6 tại Phòng họp Quốc tế chùa Bái Đính, Ninh Bình. Theo đó, trong buổi chiều ngày đầu tiên (26-6) sẽ là nghi thức khai mạc với sự tham sự của Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự của các tỉnh, thành; đại biểu khách mời từ các cơ quan Nhà nước.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, ngay sau lễ khai mạc, vì là việc Tăng sự nên trong các phiên thảo luận và bế mạc của Hội nghị sẽ chỉ có sự tham dự của chư tôn đức Tăng Ni mà không có sự hiện diện khách mời cũng như giới cư sĩ.
Bảo Thiên thực hiện
Nguồn: http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2015/06/26/37700A/
BTTTT – PGBP sưu tầm
5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC