Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương chia sẻ về Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni

Trước thềm Đại lễ, Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ chia sẻ.

Nhiều năm qua, Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Kiều Đàm Di đã trở thành ngày truyền thống của Ni giới Việt Nam. Năm nay, Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước luân phiên đăng cai tổ chức tại trụ sở Phân ban Ni giới tỉnh – chùa Quang Minh (TP.Đồng Xoài) và Trung tâm Văn hóa TP.Đồng Xoài vào ngày 22, 23-4-2023 (nhằm ngày 3, 4-3-Quý Mão).

Trước thềm Đại lễ, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Ni trượng Thích nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ về nguồn gốc, ý nghĩa của Đại lễ tưởng niệm:

– Từ ngày xưa, sau khi Ni bộ Bắc tông được thành lập, quý Sư trưởng tiền bối đã thống nhất, tổ chức lễ tưởng niệm Ðức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Kiều Ðàm Di (Maha Pajabati) vào ngày mồng 8-2 âm lịch hàng năm để Ni giới luôn ghi nhớ đến bậc Tổ sư Ni. Người đã cùng 500 phụ nữ dòng Xá-di vượt quãng đường dài 200km đầu trần, chân đất đến tinh xá Kỳ Viên, nơi Ðức Phật đang an trú để khẩn cầu được dự vào hàng Tăng chúng.

Qua ba phen thỉnh cầu vẫn bị Ðức Thế Tôn chối từ. Cuối cùng phải nhờ đến Tôn giả A-nan cầu xin hộ, cộng với ý chí kiên định của Ðức Kiều Ðàm Di và 500 phụ nữ Xá-di, Ðức Phật chỉ chấp thuận với điều kiện chư Ni phải tuân thủ “Bát bất khả quá pháp” suốt đời nếu muốn dự vào hàng Tăng chúng.

Đó là đại ân cho Ni giới ngày nay được thừa hưởng. Thế nên, Ðại lễ tưởng niệm Ðức Thánh Tổ Ni Ðại Ái Ðạo là cơ hội để Ni giới làm mới lại mình trong chánh niệm tỉnh giác, sống xứng đáng là một “Ái Ðạo truyền nhân”.

Báo Giác Ngộ phỏng vấn Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương nhân Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni ảnh 2
Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước trao quà đến người nghèo nhân Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Ảnh: Ban TT-TT Phật giáo Bình Phước

* Là vị giáo phẩm lãnh đạo vừa được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022-2027) chính thức suy cử làm Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư GHPGVN, với vai trò mới vừa lãnh đạo Ni giới cả nước vừa đảm nhiệm Trưởng ban Tổ chức Đại lễ, Ni trưởng cảm nhận như thế nào về vai trò mới này và có áp lực nào trong trách nhiệm công tác điều hành tổ chức Đại lễ lần này?

– Với ý niệm suy cử là được Tăng sai, thay nhọc cho các Sư trưởng, đại tỷ gánh vác Phật sự được chư tôn đức ủy thác, thế nên, một bàn tay không thể vỗ nên kêu, một cây không thể gọi là rừng, chỉ cần trên dưới một lòng thì “dù phải chịu muôn ngàn gian khổ, con dốc lòng vì đạo hy sinh”.

Áp lực công việc không phải là nhẹ nhưng nếu trên được chư tôn đức thương tưởng, dưới được chư huynh đệ đồng lòng thì khó khăn nào cũng hóa giải được. Bình Phước là tỉnh rộng người thưa, Ni giới khoảng 200 vị, nhiều cơ sở tự viện còn khó khăn về mọi mặt nhưng nghĩ đến tầm quan trọng của Đại lễ, chư Ni lại quên mọi khó khăn để tiến về phía trước. Không những thế, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh và chư tôn đức Tăng cũng quan tâm, lo lắng về mọi mặt, Phật tử thì sau trước hộ trì, Ban Tôn giáo tỉnh cũng sẵn lòng giúp đỡ nên mọi việc của Ban Tổ chức Đại lễ đều thuận duyên.

Tôi nghĩ rằng, nếu Đại lễ được chư tôn đức và đại chúng hoan hỷ thì đó là sự thành công của tập thể, nếu còn nhiều việc bất toàn, thì đó là do tài và đức của Trưởng ban Tổ chức còn hạn chế. Tôi rất mong được sự gia tâm hộ trì của chư tôn tịnh đức Tăng-già nhị bộ và toàn thể đại chúng để Đại lễ Tưởng niệm Ðức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo được thanh lương.

* Tại Đại lễ, chắc chắn sẽ tôn vinh, lan tỏa những giá trị truyền thống được tiếp nối từ chư vị Ni trưởng tiền bối qua các thời kỳ, thế hệ Ni giới ngày nay của tỉnh được kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp đó như thế nào trong đời sống tu tập và thừa hành Phật sự, bạch Ni trưởng?

Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, cùng chư tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam do Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước tổ chức với chủ đề “Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì Chánh pháp”, sẽ diễn ra ngày 22, 23-4-2023 (3, 4-3-Quý Mão), tại chùa Quang Minh (số 322, Quốc lộ 14, P.Tân Đồng, TP.Đồng Xoài), Trung tâm Văn hóa TP.Đồng Xoài (đường Hồ Xuân Hương, P.Tân Phú, TP.Đồng Xoài).

Nội dung chương trình Đại lễ: Dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, chư vị anh hùng liệt sĩ; Triển lãm văn hóa, nghệ thuật; Thắp nến tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam; Chương trình nghệ thuật “Con về bên mẹ”, tọa đàm; Đại lễ tưởng niệm chính thức; Tặng học bổng và quà từ thiện (Quỹ Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo).

– Xưa kia, vùng đất này là nơi các mộ phu người Việt đến làm việc tại các đồn điền cao su của Pháp, nên có thể nói tỉnh Phước Long xưa hay Bình Phước ngày nay là nơi tụ cư của dân cả ba miền Nam, Trung, Bắc, nhất là 42 dân tộc anh em. Trong đó, các vị Hòa thượng như Hòa thượng Quảng Long di cư từ Bắc vào Nam cũng đã dừng chân và để lại dấu ấn khai sơn lập tự tại Bình Phước. Vì thuở xưa nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc, dân chúng thưa thớt nên rất khó trụ lại để hành đạo, nhưng theo tinh thần phát triển của Phật giáo, sự chỉ đạo của các bậc tôn túc Đại Tăng thì các sứ giả Như Lai theo tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” đã ngược xuôi vào các vùng sâu, vùng xa để hóa đạo rồi lại trở về.

Ðiển hình là Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng thượng Trí hạ Quảng khi mới là một Sa-di cũng đã được cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa đặc cách vào vùng sâu, vùng xa tỉnh Bình Phước (lúc bấy giờ) để hóa đạo. Chư Ni thì không trụ lâu vì vùng lam sơn chướng khí. Ngay cả tôi cũng được gieo hạt mầm từ các sứ giả Như Lai về hóa đạo như Hòa thượng Thắng Hoan và các vị Hòa thượng tiền bối khác. Ðoàn sứ giả thứ hai là quý sư Giác Nhiên, Giác Ðiềm, Giác Phong và đoàn hóa đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên… Thế nên, thế hệ Ni giới ngày nay của tỉnh đều được kế thừa và phát huy từ những giá trị Phật chất của Tổ Thầy và chư Trưởng lão Ni từ thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước.

Báo Giác Ngộ phỏng vấn Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương nhân Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni ảnh 3
Lễ Tự tứ tại trường hạ Ni tập trung chùa Quang Minh

* Phân ban Ni giới tỉnh được ra mắt vào năm 2011, Ni trưởng là người đảm nhiệm vai trò Trưởng Phân ban, đã lãnh đạo Ni giới tỉnh trải qua nhiều nhiệm kỳ, nếu nhận định về sự trưởng thành và thành tựu của Ni giới tỉnh nhà, Ni trưởng sẽ nhận định và đánh giá như thế nào?

– Lúc mới ra mắt Phân ban Ni giới tỉnh, phải nói rằng chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, Bình Phước đất rộng người thưa; thứ hai, thủ tục còn rườm rà; thứ ba, kinh tế khó khăn, khoảng cách địa lý cách xa, có khi hơn 100 km từ chùa mình đến Ban Trị sự hay Văn phòng Phân ban Ni giới tỉnh. Thế nên sự đồng thuận ban đầu không phải là việc dễ nhưng chư Ni thuộc Phân ban Ni giới tỉnh cứ thế nhẫn nại và phụng sự. Cuối cùng, sự nhẫn nại ấy được đền bù, chư Ni các nơi đều trở về một trú xứ tại chùa Quang Minh (TP.Đồng Xoài) vào mỗi mùa An cư kiết hạ để tập trung cấm túc tu tập trong đoàn kết và hòa hợp. Rồi chẳng ai bảo ai, cứ thế mà thừa hành Phật sự, cứ thế mà phụng đạo giúp đời, theo đúng hạnh nguyện của Ðức Thánh Tổ Ni Ðại Ái Ðạo và chư vị tiền bối Ni hữu công Phật giáo Việt Nam.

Báo Giác Ngộ phỏng vấn Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương nhân Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni ảnh 4
Chư Ni Phân ban Ni giới T.Ư, chư Ni Ban Tổ chức Đại lễ trong buổi khai mạc triển lãm – Ảnh: Trung Thắng

* Với vai trò lãnh đạo Ni giới cả nước, Ni trưởng sẽ phát huy vai trò lãnh đạo Ni giới như thế nào để vừa bảo đảm sự trang nghiêm của Ni đoàn, đặc biệt bảo vệ “sự lấn át của thời đại hội nhập” ảnh hưởng đến đời sống tu học của chư Ni trẻ? Dịp này, Ni trưởng gởi gắm gì đến chư Ni?

– Nếu muốn trang nghiêm Ni đoàn và bảo vệ mình khỏi sự “lấn át của thời đại” thì mỗi vị Ni chúng ta đều thuận hành giới luật, sống có trách nhiệm với bản thân, với đoàn thể Tăng thân, với Tổ Thầy và tổ quốc. Ðiều tôi muốn tự nhủ lòng và sẻ chia với chư Ni trẻ là cho dù có “bằng cấp nào cũng không qua bằng khất sĩ, hương sức nào cũng không bằng giới, định, tuệ hương”. Ðức Phật dạy chúng ta là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” là như thế.

Mỗi dịp tổ chức Đại lễ, ngoài ý nghĩa tri ân và báo ân Ðức Thánh Tổ Ni và chư vị Trưởng lão Ni tiền bối hữu công Việt Nam còn là sự nhắc thức đến Ni giới hậu bối toàn quốc “Hãy sống đúng với tâm hạnh của người xuất gia, tròn bổn phận của một công dân, xứng đáng là một ái đạo truyền nhân” để mỗi lần tham dự Đại lễ là mỗi lần được pháp thân sung mãn.

Chân thành tri ân Ni trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

“Sau khi tách tỉnh Sông Bé vào năm 1997, Phật giáo Bình Phước là đơn vị được kế thừa các nền tảng, truyền thống của Phật giáo tỉnh Sông Bé. Tuy chùa ít, Tăng Ni thưa nhưng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp của tất cả Tăng Ni, Phật tử các hoạt động tu học, Phật sự của GHPGVN tỉnh sớm ổn định.

Sự ra đời của Phân ban Ni giới tỉnh vào năm 2011 với sự lãnh đạo của Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban, có thể nói đây là bước ngoặt của Ni giới tỉnh Bình Phước trong sự ổn định và phát triển của Ni đoàn. Cùng với sự lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh như cố Hòa thượng Thích Nhuận Thanh (Thành viên Hội đồng Chứng minh), Hòa thượng Thích Thiện Pháp (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự), hiện nay Trưởng ban Trị sự tỉnh đương nhiệm là Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã chỉ đạo, hướng dẫn cho Ni giới tỉnh tích cực tham gia các lĩnh vực hoạt động Phật sự, đóng góp cho thành tựu của GHPGVN tỉnh, đặc biệt đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện, an sinh xã hội làm lợi lạc cho số đông.

Nhờ uy tín, đức độ của Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027) chính thức suy cử Ni trưởng làm Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư GHPGVN. Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni năm 2023 do Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức. Với sự điều hành của NT. Thích nữ Nhật Khương, Trưởng ban Tổ chức chắc chắn Đại lễ sẽ thành công tốt đẹp. Hơn thế nữa, Ni trưởng chắc chắn đủ khả năng cũng như kinh nghiệm để ổn định sinh hoạt tu học và phát triển Ni giới toàn quốc trong thời gian tới”, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC